Sang chấn do nhập cư và tị nạn

Nhiều người nhập cư và tị nạn gặp phải sang chấn. Tìm hiểu bản chất, triệu chứng và cách điều trị sang chấn.

 


Sang chấn là gì

Nếu quý vị trải qua một sự kiện tồi tệ, thông thường quý vị sẽ có những cảm xúc mạnh mẽ như sợ hãi, buồn bã và tức giận. Đôi khi, trải nghiệm đó có thể khiến quý vị bị cảm thấy bất an trong một khoảng thời gian dài. Đây được gọi là sang chấn.

Những sự kiện dẫn đến sang chấn thường xảy ra bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát của quý vị hoặc khiến cuộc sống của quý vị gặp nguy hiểm. Điều này có thể bao gồm:

  • chứng kiến hành vi bạo lực hoặc bị bạo hành
  • trải qua chiến tranh hoặc khủng bố
  • bị lạm dụng về thể chất và/hoặc tình dục
  • mất đi người mình yêu quý
  • bị giam giữ trái ý của bản thân (ví dụ bị bắt ở tù)
  • gặp tai nạn hoặc thảm họa đe dọa đến tính mạng

Khi quý vị đến một quốc gia mới, quý vị có thể gặp phải những điều tồi tệ trong chuyến đi hoặc sau khi đến quốc gia đó. Những sự kiện này đôi khi đặc biệt khó để vượt qua vì chúng xảy ra khi quý vị nghĩ rằng mình đã an toàn.

Triệu chứng sang chấn

Không phải ai cũng bị sang chấn cùng một sự kiện hoặc cùng một kiểu sang chấn. Đối với rất nhiều người, khi chuyển đến một đất nước mới, những nhu cầu cơ bản thường là mối quan tâm chung của họ. Vì lý do này, quý vị có thể sẽ không gặp phải các triệu chứng sang chấn ngay lập tức.

Triệu chứng thường gặp khi bị sang chấn là:

  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày, cảm thấy tội lỗi hoặc bị chối bỏ.
  • Các triệu chứng về thể chất như khó ngủ hoặc ác mộng, đau đầu, mệt mỏi triền miên, đau đớn dù không bị tác động về thể chất, buồn nôn, tim đập nhanh hoặc luôn cảm thấy bất an.
  • Gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, hay bị nhầm lẫn hoặc mất tập trung.
  • Có sự thay đổi về hành vi chẳng hạn như hút thuốc, sử dụng chất gây nghiện hoặc uống rượu bia nhiều hơn, thay đổi khẩu vị hoặc giảm giao tiếp với người thân hoặc bạn bè.

Đây đều là những phản ứng bình thường. Đối với hầu hết mọi người, những triệu chứng này sẽ dần biến mất. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này sẽ không tự biến mất. Tình trạng này gọi là Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).

Điều trị sang chấn

VIệc cảm thấy không còn là chính mình sau khi gặp phải một biến cố tồi tệ là điều bình thường. Mỗi nền văn hóa và mỗi cá nhân sẽ có những trải nghiệm khác nhau về sang chấn và quá trình hồi phục.

Có nhiều cách khác nhau để quý vị có thể tự vượt qua những triệu chứng này:

  • Tích cực hoạt động. Tích cực vận động cơ thể là phương pháp đặc biệt hữu ích trong giai đoạn điều trị sang chấn. Điều này giúp não bộ và cơ thể phục hồi đồng thời làm giảm hoóc-môn khiến quý vị cảm thấy căng thẳng.
  • Kết nối với những người xung quanh.
  • Giữ gìn sức khoẻ thể chất. Ăn các thực phẩm lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục, tránh rượu bia và các chất gây nghiện.
  • Tìm cách giữ bình tĩnh. Người bị sang chấn thường rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Giữ bình tĩnh giúp quý vị cảm thấy có kiểm soát. Quý vị có thể thử các bài thực hành ngắn để ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực. Quý vị cũng có thể đưa các hoạt động tĩnh tâm như thiền định, đi dạo, nghe nhạc, cầu nguyện hoặc một hoạt động mà quý vị yêu thích vào các hoạt động thường ngày của mình.
Cách nhanh chóng để cảm thấy bình tĩnh
– Để tay và cổ tay dưới vòi nước đang chảy.
– Di chuyển cơ thể bằng cách nhảy hoặc chạy tại chỗ.
– Thử phương pháp 5-4-3-2-1. Kể tên năm thứ quý vị có thể thấy, bốn thứ có thể nghe, ba thứ có thể chạm vào, hai thứ có thể ngửi, và một thứ có thể nếm. 

Nếu quý vị thử cách này nhưng vẫn không bình tĩnh được thì quý vị nên gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần. Họ là những người có thể giúp quý vị hình thành các kỹ năng kiểm soát bản thân. Quý vị nên tìm đến người khiến quý vị cảm thấy thoải mái. Một số người cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc với người xuất thân từ cùng nền văn hóa với mình.

Chuyên gia sức khỏe tâm thần giỏi sẽ giúp quý vị tìm ra cách kiểm soát các triệu chứng quý vị đang gặp phải. Quý vị không buộc phải kể về quá khứ của mình nếu không muốn. Nếu quý vị có bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm có thể sẽ chi trả cho dịch vụ này.

Tìm hiểu thêm về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần.

Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD)

Đối với hầu hết mọi người, những cảm xúc khó khăn do sự kiện gây sang chấn thường sẽ dần cải thiện. Nếu các triệu chứng của quý vị không được cải thiện và khiến quý vị gặp khó khăn trong cuộc sống hằng ngày thì có thể quý vị đã bị PTSD. Trong một số trường hợp, triệu chứng PTSD có thể xuất hiện rất lâu sau khi sự kiện đó qua đi.

Nếu quý vị cảm thấy mình bị PTSD, quý vị có thể trao đổi với bác sĩ của mình. Bác sĩ có thể đề xuất thuốc điều trị hoặc giới thiệu chuyên gia sức khoẻ tâm thần cho quý vị.

FindHello Search
Tìm kiếm hỗ trợ gần chỗ bạn ở

Tìm kiếm trợ giúp pháp lý, các lớp học tiếng Anh, chăm sóc y tế, hỗ trợ nhà ở và nhiều hơn nữa. Tìm kiếm với bản đồ và danh sách các dịch vụ dành cho người nhập cư ở Hoa Kỳ.

Bắt đầu tìm kiếm

Chúng tôi mong muốn cung cấp thông tin dễ hiểu được cập nhật thường xuyên. Thông tin này không phải là tư vấn pháp lý.