Các miễn trừ và điều chỉnh trong bài thi quốc tịch Hoa Kỳ

Miễn trừ trong bài thi quốc tịch là gì?

Một số đối tượng có thể không cần phải tham gia tất cả các phần trong bài thi tiếng Anh và bài thi kiến thức công dân trong buổi phỏng vấn nhập tịch. Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ USCIS cho phép một số cá nhân được miễn thi và có điều chỉnh bài thi. Bạn có thể yêu cầu việc này khi nộp Mẫu đơn N-400.

Đối tượng nào sẽ được miễn trừ hay điều chỉnh?

Bạn đủ điều kiện được hưởng chế độ ngoại lệ tùy vào:

  • Độ tuổi
  • Thời gian làm thường trú nhân (LPR)
  • Bị khuyết tật

Miễn trừ là khi bạn được phép không làm điều mà bình thường bạn lẽ ra phải làm. Ngoại lệ là trường hợp không cần tuân thủ theo luật lệ. Cả hai được sử dụng theo cùng một cách ở đây.

Ngoại lệ
Bài thi tiếng Anh
Bài thi kiến thức công dân
Trên 50 tuổi
Là thường trú nhân trên 20 năm
Miễn trừ – Không cần phải tham gia
Vẫn bắt buộc nhưng có thể thực hiện bài thi bằng tiếng mẹ đẻ với sự trợ giúp của phiên dịch
Trên 55 tuổi
Là thường trú nhân trên 15 năm
Miễn trừ – Không cần phải tham gia
Vẫn bắt buộc nhưng có thể thực hiện bài thi bằng tiếng mẹ đẻ với sự trợ giúp của phiên dịch
Trên 65 tuổi
Là thường trú nhân trên 20 năm
Miễn trừ – Không cần phải tham gia
Vẫn bắt buộc nhưng có thể thực hiện bài thi chỉ với 20 câu hỏi bằng tiếng mẹ đẻ với sự trợ giúp của phiên dịch
Khuyết tật hoặc khiếm khuyết
Miễn trừ – Không cần phải tham gia
Miễn trừ – Không cần phải tham gia

Miễn trừ bài kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh

Bài thi tiếng Anh là một phần của buổi phỏng vấn nhập tịch. Bài thi cho thấy bạn có khả năng nói tiếng Anh cơ bản. Bạn không cần phải làm bài thi này nếu bạn đã đạt độ tuổi nhất định và sống tại Hoa Kỳ đã đủ lâu.

Ngoại lệ 50/20

Bạn không cần phải làm bài kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh nếu:

  • Bạn nộp hồ sơ khi bạn đã trên 50 tuổi
  • Bạn đã sống tại Hoa Kỳ trên 20 năm với tư cách là thường trú nhân (có thẻ xanh)

Ngoại lệ 55/15

Bạn không cần phải làm bài kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh nếu:

  • Bạn nộp hồ sơ khi bạn đã trên 55 tuổi
  • Bạn đã sống tại Hoa Kỳ trên 15 năm với tư cách là thường trú nhân (có thẻ xanh)

Lưu ý: Ngoại lệ 50/20 và 55/15 chỉ áp dụng với bài kiểm tra ngôn ngữ tiếng Anh. Bạn vẫn phải làm bài thi kiến thức công dân. Nếu bạn đủ điều kiện, bạn có thể được làm bài thi kiến thức công dân bằng tiếng mẹ đẻ.

Miễn trừ trong bài thi kiến thức công dân

Bài thi kiến thức công dân là một phần của buổi phỏng vấn nhập tịch. Bài thi co thấy bạn có hiểu biết về lịch sử và chính phủ Hoa Kỳ. Bạn có thể sẽ được làm một phiên bản khác của bài thi nếu bạn đã đạt một độ tuổi nhất định và sống tại Hoa Kỳ đã đủ lâu.

Xem xét đặc biệt 65/20

Bạn sẽ được xem xét đặc biệt đối với bài thi kiến thức công dân nếu:

  • Bạn nộp hồ sơ khi bạn đã trên 65 tuổi
  • Bạn đã sống tại Hoa Kỳ trên 20 năm với tư cách là thường trú nhân (có thẻ xanh)

Nếu bạn đủ điều kiện để được xem xét đặc biệt:

  • Bạn có thể được làm bài thi kiến thức công dân bằng tiếng mẹ đẻ. Bạn phải đưa theo phiên dịch riêng.
  • Bạn có thể học 20 câu hỏi kiến thức công dân (thay vì 100 câu hỏi) để chuẩn bị cho bài thi kiến thức công dân. Những câu hỏi này được đánh dấu hoa thị (*) trong danh sách câu hỏi hoàn chỉnh.
  • Bạn phải trả lời được 6 trên 10 câu hỏi (từ danh sách 20 câu hỏi) để đậu bài thi này.

Miễn trừ đối với bài thi quốc tịch, tiếng Anh và kiến thức công dân

Bạn có thể được miễn thi tiếng Anh và thi kiến thức công dân nếu:

  • Bạn mắc khuyết tật về thể chất hoặc về phát triển hoặc bị khiếm khuyết về mặt y học
  • Khuyết tật tác động đến khả năng hiểu tiếng Anh và hiểu kiến thức công dân Hoa Kỳ của bạn

Các điều chỉnh dành cho người khuyết tật

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cũng đưa ra các điều chỉnh dành cho người bị khuyết tật hoặc khiếm khuyết về mặt y học.

Điều chỉnh là sự thay đổi trong bài thi hoặc chỉnh sửa điều kiện giúp người khuyết tật thu được kết quả giống như người lành lặn.

Bạn có thể yêu cầu một vài thay đổi nhất định trong bài thi nhập tịch, chẳng hạn như:

  • Được thêm thời gian để làm bài thi
  • Được phép nghỉ giải lao trong quá trình làm bài thi
  • Được hỗ trợ phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu
  • Được cung cấp bản in chữ lớn hoặc chữ nổi trong bài thi đọc
  • Được phép làm bài thi viết dưới dạng vấn đáp
  • Thân nhân, người giám hộ hợp pháp hoặc người đại diện được phép tham dự buổi phỏng vấn cùng bạn
  • Được phép làm bài thi tại nhà hoặc tại nơi cư trú khác

Các miễn trừ khác đối với bài thi quốc tịch

Bạn có thể được miễn trừ yêu cầu cư trú liên tục khi xin nhập tịch nếu bạn đang làm việc ở nước ngoài cho một trong các tổ chức sau:

  • Chính phủ hoặc quân đội Hoa Kỳ
  • Các viện nghiên cứu Mỹ
  • Công ty Mỹ
  • Tổ chức truyền thông
  • Tổ chức tôn giáo Mỹ

Bạn phải nộp Mẫu đơn N-470 (Đơn duy trì thời gian cư trú cho việc xin quốc tịch) để tính thời gian bạn ở nước ngoài theo diện cư trú liên tục tại Hoa Kỳ.

Hỗ trợ pháp lý và phiên dịch

Nếu bạn nghĩ mình đủ điều kiện được hưởng miễn trừ hoặc điều chỉnh, bạn nên có hỗ trợ pháp lý khi điền đơn đăng ký. Bạn sẽ cần có người lên tiếng giúp bạn trong quá trình nộp đơn hoặc khi tham gia phỏng vấn.

Nếu bạn đủ điều kiện làm bài thi kiến thức công dân bằng tiếng mẹ đẻ, bạn phải đi cùng phiên dịch viên đến buổi phỏng vấn, trừ khi có những lựa chọn khác. Phiên dịch viên của bạn phải nói được tiếng mẹ đẻ của bạn và tiếng Anh lưu loát.

Phiên dịch viên của bạn không cần phải qua đào tạo hay có chứng nhận. Nhìn chung, phiên dịch viên của bạn không nên là người liên quan đến trường hợp của bạn. Luật sư, đại diện pháp lý hay nhân chứng không thể làm phiên dịch viên cho bạn.

Cách xin miễn trừ hoặc điều chỉnh?

Bạn có thể xin miễn trừ hoặc điều chỉnh đối với bài thi quốc tịch trong đơn đăng ký nhập tịch trong Mẫu đơn N-400.

Miễn trừ dựa theo độ tuổi và thời gian cư trú liên tục

  • Trả lời “có” đối với Câu hỏi 13 trong phần 2 của đơn đăng ký

Miễn trừ dựa trên khuyết tật hoặc khiếm khuyết về tâm lý

N-400 Part 2 Questions 12-13

Điều chỉnh dựa trên khuyết tật hoặc khiếm khuyết về tâm lý

  • Trả lời “có” đối với Câu hỏi 1 trong phần 3 của đơn đăng ký
  • Bạn cũng có thể nộp yêu cầu xin điều chỉnh trực tuyến hoặc yêu cầu xin điều chỉnh với văn phòng địa phương

Tiếp theo: Tìm hiểu cách nộp hồ sơ nhập tịch Hoa Kỳ


Thông tin trên trang này đến từ các nguồn đáng tin cậy, bao gồm USA.gov và USCIS.gov. Chúng tôi hướng đến việc cung cấp các thông tin bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và được cập nhật thường xuyên. Trang này chỉ mang mục đích hướng dẫn. USAHello không cung cấp tư vấn pháp lý, và các tài liệu của chúng tôi cũng không mang tính chất tư vấn pháp lý.